Trang thông tin điện tử

Xã Đức Minh

CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỨC MINH, HUYỆN MỘ ĐỨC, TỈNH QUẢNG NGÃI.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 60 NĂM GIẢI PHÓNG XÃ ĐỨC MINH (01/5/1965-01/5/2025)

Năm 2025, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những ngày tháng đầy ý nghĩa lịch sử và rất tự hào này, trước tiên chúng ta vô cùng thành kính và biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tưởng nhớ và tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng – những người đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đất nước Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, từ những đổ nát của chiến tranh, nhân dân ta đã từng bước xây dựng lại quê hương, vững vàng tiến lên, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Việt Nam hôm nay là một đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế. Tất cả những thành quả hôm nay là minh chứng sống động cho sức mạnh đoàn kết dân tộc, cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cho bản lĩnh kiên cường của một dân tộc từng đi qua bao cuộc chiến nhưng vẫn đứng vững, hồi sinh và phát triển.

“Quê mình đó Đức Minh đầy nắng gió

Có yêu nơi này em hay đến cùng anh

Để thăm chiến trường xưa như huyền thoại

Nơi đây đất thành đồng đẹp bản trường ca….”

( Bài hát: Miền quê yêu thương-Lê Hoài My)

Đức Minh là một xã ven biển thuộc vùng Đông Mộ Đức, mảnh đất và con người nơi đây đã có bề dày truyền thống cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nơi đây cũng đã sản sinh ra những người con yêu nước và sớm giác ngộ, tham gia vào các tổ chức cách mạng như “Hội thiếu niên ái quốc”, “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” đó là các đồng chí Võ Sĩ, Bùi Bình, Đỗ Khoa, Lê Dương, Nguyễn Sưu, Trần Niên… Họ đã tiếp tục và giác ngộ quan điểm đấu tranh cách mạng cho quần chúng trên địa bàn xã, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống lại sự bóc lột phong kiến cường hào và sự đàn áp hà khắc của bọn tay sai quan lại để giành quyền lợi thiết thực cho nhân dân.

Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì những nhân tố trên đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Từ đó họ đã tổ chức tập họp và vận động quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương nói riêng, huyện Mộ Đức và tỉnh nói chung. Nổi bậc là cuộc biểu tình chi viện cho cuộc đấu tranh lớn tại Đức Phổ vào ngày 08/10/1930 do đồng chí Bùi Định (Minh Tân Bắc, Đức Minh) diễn thuyết; cuộc biểu tình ở Trà Niên – Đức Phong vào ngày 01/5/1931 do đồng chí Trần Thị Hùng chỉ huy.

Sau đó lãnh đạo quần chúng tham gia các cao trào đấu tranh cách mạng liên tục mãi đến cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Từ đây phong trào cách mạng ở địa phương tiếp tục phát triển, chính quyền cách mạng được thành lập, các tổ chức chính trị được kiện toàn, vận động đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, lẽ ra đất nước ta được hòa bình, dân tộc ta được hưởng độc lập, tự do từ đó. Thế nhưng, Mỹ lại nhảy vào dựng chính quyền Ngô Đình Diệm để chống phá cách mạng nước ta. Chúng trắn trợn tuyên bố: Giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và đã biến thành biên giới kéo dài của chiến tranh chống Mỹ suốt 21 năm ròng rã.

Với mưu đồ Mỹ Diệm công khai đánh phá phong trào cách mạng ở miền Nam một cách quy mô, có hệ thống, thông qua các chiến dịch đẫm máu Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch ‘tố cộng, diệt cộng”, chúng nêu khẩu hiệu “diệt cán, trừ cộng”, dễ dân, diệt cán”. Đồng thời chúng đề ra “Luật 10-59”, thực hiện chính sách “bình định nông thôn” với quốc sách “ấp chiến lược” mà thực chất là nhà tù trá hình để đàn áp nhân dân ta và đánh phá phong trào cách mạng ở miền Nam.

Thời điểm này, tại Đức Minh đại bộ phận cán bộ, Đảng viên được đưa đi tập kết ra Bắt, chỉ cử một số cán bộ, Đảng viên nòng cốt ở lại hoạt động bí mật trong quần chúng. Lúc này một số cán bộ, đảng viên ở lại hoạt động bí mật địa phương bị chúng truy nã giết chết và bị bắt, các cơ sở nuôi giấu cán bộ cũng bị chúng truy bắt đàn áp dã man, thân nhân của các gia đình tập kết, thoát ly hoạt động kháng chiến và quần chúng tốt đều bị chúng đày vào nhà lao hoặc quản thúc khủng bố liên tục. Phong trào cách mạng của địa phương ta gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết các cơ sở đều tan vở, một số cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú còn lại phải tìm đường tránh né.

Năm 1960 phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ. Ở tỉnh ta cuộc khởi nghĩa Trà Bồng giành thắng lợi, khí thế đấu tranh cách mạng trong quần chúng được phát triển rộng khắp từ nông thôn đến thành thị. Trong lúc này, cấp trên đưa một số cán bộ về xây dựng phong trào ở vùng Đông Mộ Đức, trong đó có đồng chí Lê Đào (Loan)  về trực tiếp gầy dựng lại cơ sở xã Đức Minh. Chỉ trong một thời gian ngắn các cơ sở cách mạng được khôi phục, bắt đầu từ Tân An – thôn Đạm Thủy Nam đến Phú Nhuận, Trung Lý – thôn Minh Tân Bắc và lần lượt lan rộng ra các xóm, thôn trong xã. Phong trào cách mạng của địa phương được vực dậy, tiến hành vận động nhân dân đóng góp nhân tài, vật lực cho cách mạng. Vận động thanh niên thoát ly bổ sung vào lực lượng huyện, tỉnh và đội công tác vùng Đông của huyện Mộ Đức.

Ngày 02/12/1962, đội vũ trang xã Đức Minh được tái thành lập do đồng chí Võ Ba (Lơn) làm đội trưởng, đồng chí Đỗ Dây và đồng chí Trần Tư (Bì) làm đội phó. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà tực tiếp là Ban lãnh đạo vùng Đông Mộ Đức do các đồng chí Trần Anh Tế, Lê Đào, Lý Sang phụ trách đội công tác vũ trang xã Đức Minh triển khai kế hoạch diệt ác phá kèm; đồng thời phối hợp với lực lượng huyện và đội công tác xã Đức Phong liên  tục mỡ những đợt tấn công vào Hội đồng xã Đức Lương và các cơ quan thôn tiêu diệt bọn tề ngụy, phát động quần chúng phá ấp chiến lược, truy nã bắt sống bọn ác ôn tay sai chỉ điểm cho địch đưa đi cải tạo.

Chỉ trong 2 năm 1963 – 1964 lực lượng vũ trang xã Đức Minh độc lập tác chiến và phối hợp cùng với lực lượng huyện, đội công tác vũ trang xã Đức Phong đánh vào đầu não của địch 14 trận, diệt 127 tên địch, trong đó có 11 tên ngụy quyền, 116 tên ngụy quân, đánh thiệt hại nặng một đại đội bão an, 2 trung đội nghĩa quân và làm tan rã 3 trung đội thanh niên tân trang, vận động binh lính của địch mang súng trở về với cách mạng 11 người. Thu 61 súng, 1 máy điện thoại và nhiều quân trang, quân dụng khác. Nỗi bật là trận đánh phối hợp giữa đội vũ trang xã Đức Minh và đội vũ trang xã Đức Phong tại thôn Đạm Thủy Nam (ĐTN) và thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong vào ngày 26/2/1964 ta đã loại khỏi vòng chiến 45 tên địch. Trận đánh vào Hội đồng xã Đức Lương và cơ quan thôn ĐTN & Đạm Thủy Bắc (ĐTB) vào ngày 16/4/1964, ta diệt 4 tên ngụy quyền bắt sống 03 tên tề ấp, giải tán 02 trung đội thanh niên tân trang, giải phóng hai thôn ĐTN & ĐTB. Trận đánh vào Hội đồng xã Đức Lương và 02 cơ quan của địch ở thôn Minh Tân Nam (MTN) & Minh Tân Bắc (MTB) vào đêm 30/8/1964, diệt 02 tên ngụy quyền, đánh tan rã 01 trung đội dân vệ và binh hiến 01 trung đội thanh niên tân trang thu 17 súng.

Đầu năm 1965, lực lượng vũ trang xã Đức Minh liên tiếp chống địch càn quét đánh phá vào 02 thôn ĐTB & ĐTN để bảo vệ vùng giải phóng, đồng thời tổ chức những đợt tấn công bao vây, kìm hãm địch ở 02 thôn MTN & MTB và trụ sở Hội đồng Đức Lương của địch.

Đêm 30/4 rạng ngày 01/5/1965 hợp đồng với chiến trường Trà Niên, lực lượng vũ trang xã Đức Minh phối hợp cùng lực lượng vũ trang huyện Mộ Đức có sự hỗ trợ của quần chúng Nhân dân trong xã nỗi dậy khởi nghĩa đánh chiếm trụ sở Hội đồng xã Đức Lương, các cơ quan thôn của địch ở 2 thôn MTN & MTB, phá ấp chiến lược giải phóng thôn MTN & MTB. 

Như vậy, Đức Minh được giải phóng hoàn toàn vào ngày 01/5/1965 là mốc son đầy ấn tượng được ghi đậm trong lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Đức Minh.

Địch bị thất bại liên tiếp từ năm 1963 đến 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn, chúng phải chuyển sang thi hành chiến tranh mới – chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ngày 11/7/1965, Giôn-xơn chuẩn y toàn bộ kế hoạch oct- neo-len, ồ ạc đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam.

Ở chiến trường quân khu V và Quảng Ngãi, Mỹ lần lượt đưa các loại quân tinh nhuệ như: Sư đoàn “lính thủy đánh bộ Mỹ”, liên đòan không quân số 1, sư đoàn dù số 101, lữ đoàn 173, sư đoàn kỵ binh không vân sư đoàn “mảnh hổ” Nam Triều Tiên…Tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự và tập trung đánh phá vùng giải phóng, với mưu đồ hòng “tiêu diệt” quân chủ lực “bẻ gảy” xương sống Việt cộng, tiêu diệt lực lượng địa phương và du kích, quét sạch phá sạch căn cứ cách mạng – không còn chỗ dựa của Cộng sản.

Tại địa bàn xã Đức Minh, chúng tập trung đánh phá ác liệt, liên tiếp mở những trận càn quét kết hợp với việc đánh bom, huy động các trận địa pháo ở núi Thụ, Quán Lát, Gò Sắt cùng với pháo đủ cở từ tàu thủy bắn phá đồn dập vào các xóm làng trong xã, gây cho nhân dân ta tổn thất nặng nề về người và của. Đặc biệt vào cuối năm 1966, chúng tập trung đánh phá liên tục ở dọc ven biển đã sát hại hàng trăm ngư dân và phá hủy toàn bộ tàu thuyền, ngư lưới cụ của nhân dân.

Ngày 04/01/1967, một tiểu đoàn “lính thủy đánh bộ Mỹ” đổ bộ từ biển tiến vào thôn ĐTN. Nhờ có sự nhận định đúng và có phương án chiến đấu đã được bố trí sẵn sàng, lực lượng vũ trang xã Đức Minh và các bãi mìn phục kích đánh phủ đầu bọn “lính thủy đánh bộ Mỹ” trong suốt 4 ngày đêm tại Rộc Trảng làm cho địch không chiếm được thôn ĐTN và bẻ gảy trận càn đầu tiên của Mỹ đổ bộ từ biển với mưu đồ đánh phá vùng Đông huyện Mộ Đức. Trong trận chống càn này, lực lượng vũ trang xã Đức Minh đã tiêu diệt gọn 1 trung đội, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn “lính thủy đánh bộ Mỹ” và làm tổn thất một bộ phận quân Mỹ đổ bộ bằng đường không để chi viện. Kết quả ta đã diệt 87 tên Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 34 tên khác, bắn rơi 1 chiếc máy bay HUIA.

Sau trận đánh này, được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng xã Thành Đồng vào đầu năm 1967.

Rồi cũng phong trào từ đây thi đua diệt Mỹ được phát triển rộng khắc, bằng chiến dịch du kích lúc ẩn, lúc hiện, bắn nhỏ lẻ bằng chiến thuật bia tỉa, đặt mìn đánh địch ở khắp mọi nơi trong xã; đã diệt hàng loạt tên Mỹ trong những năm 1967-1968 góp phần cùng với quân và dân toàn miền đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Bị thất bại nặng nề, Giôn-xơn phải xuống thang chiến tranh và chủ trương “phi mỹ hoá”, thay chiến lược “tìm diệt” bằng biện pháp “quét và giữ”. Đến tháng 11/1968, Nich-xơn trúng cử Tổng thống Mỹ. Ngay sau khi lên cầm quyền hắn điều chỉnh chủ trương “phi mỹ hoá” bằng học thuyết “Việt Nam hoá chiến tranh nhằm kéo dài và mở rộng chiến tranh. 

Trong thời điểm này tại xã Đức Minh, Mỹ - Nguỵ mở các cuộc càn quét đánh phá với quy mô lớn. Chúng đưa xe tăng, xe ủi càng phá xóm làng, lập đồn ở núi ông Đọ, đồi ông Nhơn, đồn mới Minh – Thạnh. Tiến hành dồn dân vào các khu dồn, thực hiện âm mưu “Bình định nông thôn” với kế hoạch “Bình định cấp tốc”, “Bình định đặc biệt” chúng đã liên tục đánh phá vùng Đông Mộ Đức nói chung, xã Đức Minh nói riêng rất ác liệt. Nhưng Đảng bộ, quân và dân Đức Minh vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu quyết liệt với địch, giằng co giành giữ từng tất đất, từng người dân, bảo vệ vùng giải phóng, củng cố thực lực cách mạng của quần chúng làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng cách mạng huyện, tỉnh tiếp tục chiến đấu góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của địch, buộc Mỹ phải ký Hiệp định PaRis vào ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Nhưng với bản chất hiếu chiến và phản động của đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Chúng tiếp tục âm mưu duy trì chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dùng quân nguỵ đẩy mạnh kế hoạch phá hoại Hiệp định PaRis. Chúng rùm ben hô hào “tràn ngập lãnh thổ” đưa toàn bộ lực lượng quân nguỵ cả lực lượng tổng dự bị chiến lược và địa phương quân càn quét lấn chiếm vùng giải phóng và nhiều vùng căn cứ cơ bản của ta ngay trước giờ lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Tại xã Đức Minh, địch tiến hành các cuộc càn quét, lấn chiếm với quy mô lớn. Chúng ta đã huy động trung đoàn 4, trung đoàn 5 của sư đoàn 2 thay nhau đánh phá liên tục; đến cuối năm 1973 đầu năm 1974, chúng còn huy động hai tiểu đoàn biệt động 37,39, 1 tiểu đoàn địa phương quân, 3 trung đội nghĩa quân, bộ máy nguỵ quyền xã Đức Lương lưu vong và lực lượng bình định nông thôn tràn ngập đánh phá khắp các thôn trong xã. Chúng lập thêm 4 đồn mới đó là đồn vườn Bà Bề- MTB, đồn vườn bà Tô- MTN, đồn vườn bà Quỳ - ĐTB  và đồn vườn bà Nính – ĐTN và lập 7 chốt nhỏ ở các xóm trong xã. Chúng tiến hành cày ủi, phát quang xóm làng dồn dân vào khu dồn theo trục đường tư ích (nay là đường Bồ Đề - Mỹ Á). Đến tháng 6 năm 1974, dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ và Huyện đội Mộ Đức về việc “Phối hợp chiến trường toàn miền, mở chiến dịch Xuân – Hè 1974” còn gọi là “Chiến dịch A2”, lực lượng vũ trang xã Đức Minh phối hợp cùng với các đơn vị C45, C19 huyện Mộ Đức, các đơn vị đặc công và tiểu đoàn 7 của tỉnh tổ chức tấn công địch lần lượt bức rút giải phóng các đồn và đưa dân về làng củ. Đến tháng 11 năm 1974, địch đưa trung đoàn 5 – sư đoàn 2 và các tiểu đoàn địa phương quân, nghĩa quân, lực lượng nguỵ quyền lưu vong tập trung đánh phá và dồn dân một lần nữa. Lần này chúng lập lại đồn mới Minh – Thạnh và đồn ông Nhơn, dồn dân 2 thôn Minh Tân vào lập khu dồn ở rừng Lâm Môn, 2 thôn Đạm Thuỷ vào khu dồn ông Nhơn. Mặc dù địch tổ chức dồn dân, đánh phá liên tục nhưng chúng ta vẫn bố trí một số cán bộ và lực lượng du kích xã, thôn ở lại hoạt động, tổ chức đánh địch diệt ác phá kèm. Còn đại bộ phận chuyển lên cánh Tây ở để bảo tồn và củng cố lượng.

Cuối tháng 2 năm 1975, quán triệt tinh thần Nghị quyết Chỉ thị của cấp trên về việc chẩn bị khẩn trương xây dựng thực lực về mọi mặt, quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định của địch tiến tới giải phóng quê hương và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Với tinh thần đó, Đảng uỷ Đức Minh tổ chức triển khai ngay chủ trương của cấp trên và chuẩn bị mọi điều kiện để phục vụ chiến dịch. Lực lượng vũ trang liên tục bao vây co ép địch, lực lượng quần chúng chuẩn bị sẵn sàng phá khu dồn về làng cũ.

Rạng sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975, bọn địch ở đồn mới Minh – Thạnh trốn chạy, cùng ngày ta tấn công bứt rút đồn ông Nhơn. Nhân dân nổi dậy phá khu dồn về làng cũ. Từ đây trên địa bàn xã Đức Minh đã sạch bóng quân thù, quân và dân xã Đức Minh lúc này vừa ổn định chỗ ở vừa chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng tham gia giải phóng huyện, tỉnh và giải phóng Miền Nam.

Ngày 22 tháng 3 năm 1975, thực hiện mệnh lệnh của Huyện đội Mộ Đức, xã Đội Đức Minh điều động trung đội du kích xã phối hợp cùng với đơn vị C19 và du kích xã Đức Chánh, Đức Nhuận đánh chiếm trục quốc lộ 1A từ Quán Lát ra Sông Vệ; một trung đội tăng cường phối hợp với C45 và đội Thị Trấn đánh chiếm Đồng Cát và Quận lỵ Mộ Đức trong đêm 22 tháng 3 năm 1975 ta làm chủ các trận địa được giao.

Sáng ngày 23 tháng 3 năm 1975, lực lượng quần chúng xã Đức Minh được lệnh tiến vào quận lỵ Mộ Đức cùng với bộ đội, du kích thu dộn chiến trường. Cũng từ đây huyện Mộ Đức và tỉnh Quảng Ngãi được giải phóng, tiến tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Riêng chiến dịch Xuân 1975, toàn binh của địch ra trình diện 229 tên, trong đó có 34 tên Cộng Hoà, 37 tên địa phương quân, 27 tên nghĩa quân, 31 tên phòng vệ dân sự, 22 tên cảnh sát, 62 tên nguỵ quyền xã, thôn và 16 tên xây dựng nông thôn. Giao nộp 87 súng, 27 xe Honda và một số tài liệu quan trọng của địch liên quan về hoạt động chính trị.

Biểu tượng cho khát vọng và ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà của nhân dân Miền Nam, hình ảnh cho lương tri và ước nguyện hòa bình của loài người tiến bộ. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân 1965 giải phóng xã Đức Minh là khúc dạo đầu cho bản hùng ca đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất nước nhà,  thu giang sơn về một mối. Chiến thắng là mốc son chói lọi, là minh chứng tuyệt vời cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất, tấm lòng thủy chung son sắt của đồng bào đồng chí Đức Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Năm tháng rồi sẽ trôi qua, cuộc sống không ngừng tiến lên phía trước nhưng sự kiện ngày quê hương giải phóng mãi mãi là trang oanh liệt nhất của lịch sử mảnh đất này: Đó là thời khắc kết thúc cuộc trường chinh đầy máu lửa, hi sinh giành độc lập tự do cũng chính là thời điểm khởi đầu một chặng đường mới, xây dựng cuộc sống mới, tươi sáng hơn trên quê hương Đức Minh anh hùng.

Sau 60 năm ngày giải phóng, chặng đường Đảng bộ và nhân dân Đức Minh đã trải qua thật vô vàn gian khó. Bước ra từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, cuộc chiến chống lại đói nghèo lạc hậu, vì cơm ăn, áo mặc, học hành của nhân dân cũng là cuộc chiến không kém phần cam go, thử thách. Kế thừa truyền thống đoàn kết, sáng tạo, khí phách anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, quân, dân Đức Minh đã nỗ lực vượt qua tất cả, vững bước đi lên. Có thể tự hào khẳng định: Trên mọi lĩnh vực đời sống KT-XH, những thành quả xã nhà đã giành được là hết sức quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng. Giờ đây, người nông dân Đức Minh không chỉ đủ ăn mà nhiều người còn biết làm giàu với những mô hình, ngành nghề đa dạng, tạo việc làm, tăng thu nhập, cuộc sống ngày thêm khấm khá. Công nghiệp và thương mại từng bước hình thành đem lại diện mạo mới cho nền kinh tế, hứa hẹn về một sự bứt phá mạnh mẽ trong nay mai. Cơ sở vật chất cùng các dịch vụ phục vụ sản xuất và dân sinh được chăm lo đầu tư  góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, bộ mặt làng quê ngày thêm tươi đẹp. Từ một mảnh đất phải hứng chịu sự hủy diệt, cày xới của bom mìn giờ đã hồi sinh với bát ngát màu xanh sự sống. Tất cả những đổi thay ấy không thể tách rời sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ xã nhà. Trăn trở cùng đồng đất, con người quê hương, đánh thức mọi tiềm năng thế mạnh, tìm hướng đi lên để người dân no ấm và từng bước tự hoàn thiện mình xứng đáng với vai trò lãnh đạo, với niềm tin yêu của nhân dân chính là lương tâm và trách nhiệm, tình thương và lẽ phải, là mục tiêu để Đảng bộ phấn đấu không ngừng.

Để có chiến thắng vinh quang ấy, hàng ngàn người con quê hương đã anh dũng ngã xuống hoặc gửi lại một phần thân thể trên các chiến trường. Trên mỗi tấc đất Đức Minh còn thấm đẫm bao máu xương của đồng bào, đồng chí mọi miền tổ quốc. Xin đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương.

Mãi mãi tri ân các vị cách mạng tiền bối, mẹ VNAH, thân nhân liệt sỹ, các đồng chí thương binh, cựu chiến binh, các gia đình có công với cách mạng. Khắc cốt ghi tâm, ơn sâu nghĩa nặng với đồng bào, đồng chí cả nước đã chi viện hết mình, sát cánh cùng quân dân Đức Minh trong những tháng năm kháng chiến.

Mãi mãi không quên, xin tạc dạ ghi lòng những chiến công huyền thoại của các LLVTND anh hùng, cùng các đơn vị chủ lực quân giải phóng đã từng chiến đấu trên chiến trường Đức Minh, các đơn vị bộ đội địa phương, an ninh giải phóng với những trận chiến oai hùng lưu danh cùng sông núi. Quên sao được hình ảnh những cán bộ cách mạng, chiến sĩ du kích," một tấc không đi, một ly không rời" kiên cường bám dân, bám đất, gây dựng cơ sở, nhen nhóm phong trào ngay trong lòng địch, nắm thắt lưng địch mà đánh, dũng cảm mưu trí, xuất quỷ nhập thần, dù có đầu rơi máu chảy. Những Đ/c thanh niên xung phong, chiến sĩ giao liên nơi tuyến lửa, dũng cảm ngày đêm tiếp lương tải đạn, giữ vững mạch máu giao thông, liên lạc, mở lối dẫn đường cho những đoàn quân tiến ra mặt trận, thầm lặng góp sức mình vào chiến thắng chung.

Có thể nào quên hình ảnh những gia đình cơ sở cách mạng với những căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, "ngọn đèn tín hiệu" của bà con cô bác Đức Minh, nắm cơm, hạt muối tấm lòng bà mẹ, em bé của những người phụ nữ đói cơm nhạt muối vẫn dành gạo nuôi cán bộ cách mạng, những "đội quân tóc dài" hiên ngang trước lưỡi lê, họng súng quân thù, biết bao tấm lòng thủy chung son sắt, không sợ tra tấn tù đày, chấp nhận đau thương, mất mát, tất cả cho quê hương giải phóng. Và quên sao được đồng bào, đồng chí ở Tân An (nay là xã Đức Phong) một thời gian khó cùng nhau, chung chiến hào đánh giặc.

Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến đồng bào, đồng chí từng là  hậu cứ hay nơi sơ tán, đã dang rộng vòng tay cưu mang đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Đức Minh trong những tháng năm khốc liệt nhất của chiến tranh

Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng xã nhà, hồi tưởng rồi cảm nhận, càng thấm thía, sâu nặng nghĩa tình đồng bào, đồng chí, đã từng gian khổ nhất cùng cán bộ, nhân dân Đức Minh trong kháng chiến, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ sau ngày giải phóng quê hương. Trải chặng đường 60 năm, những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân ta giành được là vô cùng to lớn, Đức Minh đã thay da đổi thịt, cuộc sống con người cùng cảnh sắc quê hương ngày thêm tươi mới. Nhưng có một sự thật cần nghiêm túc nhìn nhận: Đức Minh chúng ta còn nghèo, đời sống người dân vẫn nhiều khó khăn, vất vã. Chắc chắn rằng, tất cả những anh hùng liệt sĩ trước khi ngã xuống vì quê hương, đất nước đều có chung một ước nguyện thiết tha là tổ quốc được độc lập, tự do, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Phải làm gì đây để máu xương các thế hệ cha anh đã đổ xuống mảnh đất này không uổng phí? Trong mỗi hành động, việc làm của chúng ta hôm nay, không chỉ vì hiện tại, vì tương lai con cháu mai sau mà còn là trách nhiệm với quá khứ, với những người đã hi sinh. Hãy truyền lại cho mai sau những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không bao giờ được lãng quên để được tiếp thêm niềm tin và dũng khí ngay trên chính mảnh đất anh hùng của những chiến công huyền thoại. 

Đó là lời hứa thiêng liêng, câu thề vàng đá, là mệnh lệnh từ trái tim của cán bộ, nhân dân Đức Minh trước anh linh đồng bào đồng chí đã khuất.

Nhân dịp này, Đảng uỷ, HĐND, UBND,UBMTTQVN xã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân, chiến sỹ các LLVTND trong toàn xã hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực tạo sự phát triển toàn diện, nhanh chóng và bền vững, đảm bảo QP-AN vững chắc”.

Cán bộ và Nhân dân xã Đức Minh nguyện: Tiếp bước cha anh, phất cao lá cờ truyền thống hào hùng của quê hương, vững bước tiến lên, tạo dựng một tương lai phát triển mới, mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn trên mảnh đất Đức Minh anh hùng.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 


Thông tin cần biết

BÀI TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025) VÀ 60 NĂM GIẢI PHÓNG XÃ ĐỨC MINH (01/5/1965-01/5/2025)
HĐND XÃ ĐỨC MINH TỔ CHỨC KỲ HỌP LẦN THỨ 19 KHÓA XII, NHIỆM KỲ 2021-2026
Thông báo Về việc dọn vệ sinh, treo cờ Tổ quốc chào mừng xã Đức Minh đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); 60 năm Giải phóng xã Đức Minh (01/5/1965-01/5/2025)
Ra mắt CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Đạm Thủy Bắc, xã Đức Minh
Tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025
Thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh, ĐVHC cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi năm 2025
TỔ CHỨC LẤY Ý KIẾN CỬ TRI ĐỐI VỚI VIỆC SẮP XẾP ĐVHC CẤP TỈNH, ĐVHC CẤP XÃ CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI NĂM 2025
BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH VÀ XÃ
Phương án tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp
PHÒNG NGỪA CHÁY RỪNG TRONG MÙA NẮNG NÓNG
Thăm và động viên lực lượng quân nhân dự bị tham gia huấn luyện năm 2025
Ra mắt Cổng Thông tin điện tử sản phẩm, giải pháp khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số